Triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2021
Thực hiện Kế hoạch số 349/KH-BCĐ ngày 01/9/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Lai Châu về triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2021. Ngày 10/9/2021, Sở Công Thương ban hành văn bản số 1593/SCT-QLTM đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phòng Kinh tế thành phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, các doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Đề nghị Cục Quản lý thị trường
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, không để lưu thông trên thị trường hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Đồng thời, phối hợp thông báo kết quả kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu về Sở Công Thương trước ngày 28/9/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh.
2. Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, phòng Kinh tế thành phố
Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý an toàn thực phẩm tới chính quyền cấp xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương và người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm an toàn, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản của địa phương.
Tăng cường quản lý, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương thực hiện tốt việc tự tập huấn và cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; đồng thời tiếp nhận bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý theo quy định.
Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng kiểm tra bảo đảm chất lượng sản phẩm, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, việc sử dụng phụ gia, phẩm mầu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu trong sản xuất, chế biến thực phẩm,… đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm trên địa bàn quản lý.
3. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương
Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; không sử dụng hóa chất độc hại, phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, không sử dụng cồn công nghiệp methanol trong pha chế rượu. Kinh doanh hàng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo cung cấp nguồn hàng thực phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng.
Triển khai thực hiện việc tự tập huấn và cấp Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05/02/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Thực hiện cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Quyết định số 04/2021/QĐ-UBND ngày 05/02/2021 của UBND tỉnh về phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trong dịp Tết Trung thu năm 2021 tại trụ sở các doanh nghiệp, trung tâm mua sắm, cửa hàng, siêu thị.
Với khẩu hiệu tuyên truyền bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2021 như sau:
1. Tuyệt đối không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
2. Phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm hãy báo cáo cho cơ quan chức năng gần nhất.
3. Để bảo đảm an toàn thực phẩm hãy ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
4. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng không sử dụng thực phẩm bị ôi, thiu, mốc, hỏng.
5. Bảo đảm an toàn thực phẩm vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của doanh nghiệp.
6. Hãy là người tiêu dùng thông thái "mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc và nhãn mác rõ ràng".
7. Để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy lựa chọn, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn.