Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025.
Chiều ngày 23/12/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Bộ Công Thương kết nối tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước và mạng lưới các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Công Thương; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan…
Quang cảnh Hội nghị tại các điểm cầu tỉnh Lai Châu
Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, ngành Công Thương cả nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách. Các cân đối lớn được đảm bảo, nhất là an ninh lương thực và cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật và là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế với tổng kim ngạch cả năm đạt kỷ lục mới gần 800 tỷ USD, tăng 15% so với năm trước và vượt gần 3 lần kế hoạch được giao. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng 8,4%, tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô. Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác phòng vệ thương mại đạt được kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng trong bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%. Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD. Công tác xúc tiến thương mại đổi mới mạnh mẽ, công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai quyết liệt…
Bên cạnh đó, phát triển ngành Công Thương năm 2024 vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn do khó tiếp cận vốn dù lãi suất đã giảm, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cùng với tỷ giá đồng USD tăng cao làm giảm tính cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu. Chuyển dịch năng lượng từ các nguồn năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới nhằm thực thi cam kết quốc tế về giảm phát thải… còn chậm. Xuất khẩu mặc dù phục hồi tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Cơ cấu thị trường nhập khẩu chậm chuyển dịch, nhập siêu chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ một số thị trường châu Á, chưa tăng mạnh nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn; Hoạt động thương mại trong nước tuy tăng trưởng nhưng hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng còn diễn biến phức tạp…
Năm 2025, ngành Công Thương tập trung thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2024; xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12% so với năm 2024; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 10% so với năm 2024; tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 347,7 tỷ kWh, tăng 12,2% so với năm 2024…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện đồng thời chỉ ra các hạn chế, yếu kém và đề ra những giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2025.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương kết quả ngành Công Thương đã đạt được trong năm 2024 đồng thời nhấn mạnh năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2020 - 2025), đề nghị ngành Công Thương tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của đại biểu tại Hội nghị này để hoàn thiện vào kế hoạch công tác năm 2025, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025.
Cùng với đó, đề nghị ngành Công Thương tạo môi trường pháp lý hiện đại, coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đột phá; tham mưu các cơ chế, chính sách mới về phát triển năng lượng; hoàn thiện dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi); chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý của Nhà nước với phát triển công nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu; tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng; phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho doanh nghiệp; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; triển khai khẩn trương công tác sắp xếp tổ chức sau khi được Chính phủ phê duyệt để nhanh chóng ổn định tổ chức, đảm bảo không gián đoạn trong triển khai nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới phải hiệu quả, hiệu lực hơn tổ chức cũ; quan tâm triển khai các giải pháp ổn định tâm lý, giải quyết thỏa đáng chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp tổ chức.