Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Lai Châu năm 2025
Triển khai hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/5/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 2943/KH-UBND ngày 20/9/2021 của UBND tỉnh ban hành chương trình cải cách hành chính tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021-2030.
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tối thiểu 30% số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố được kiểm tra cải cách hành chính năm 2025. Trong đó, ít nhất 50% hoạt động kiểm tra được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
- 100% các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn được đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính.
- 100% UBND cấp huyện được đánh giá mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2025.
2. Cải cách thể chế
- Trên 95% các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được ban hành đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
- 100% các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành được kiểm tra, rà soát. Kịp thời phát hiện và xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật,hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
3. Cải cách thủ tục hành chính
- 100% TTHC được công bố, công khai niêm yết tại Bộ phận Một cửa các cấp theo đúng quy định; 100% hồ sơ quá hạn giải quyết có văn bản xin lỗi người dân, tổ chức; 100% phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức được giải quyết đảm bảo theo quy định.
- Đảm bảo 100% Dịch vụ công trực tuyến đáp ứng đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95% (tính theo Bộ Chỉ số Phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công); tỷ lệ hồ sơ TTHC do các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp nhận trong năm được giải quyết trước và đúng hạn đạt trên 98%.
- Tối thiểu 70% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến; trong đó, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt hoặc vượt mục tiêu năm 2025 của Chính phủ giao.
- Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết TTHC đạt tối thiểu mục tiêu Chính phủ giao.
- Tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp tăng tối thiểu 20% so với năm 2024; tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC
trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
- 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC trước đó, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ.
- Cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC, trong đó cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC (Thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 63/2010/NĐ- CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính).
- 100% TTHC nội bội giữa các cơ quan hành chính nhà nước được công bố, công khai và cập nhật kịp thời; rà soát 100% TTHC nội bộ trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý được rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm cắt, giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC (Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
4. Cải cách tổ chức bộ máy
- Hợp nhất, sáp nhập, giải thể một số cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập; giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.
- Tiếp tục thực hiện giảm biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
5. Cải cách chế độ công vụ
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.
6. Cải cách tài chính công
- Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài sản công theo chỉ đạo của các bộ ngành Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là công tác tổng kiểm kê tài sản công.
- Tiếp tục thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ- CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
- Tiếp tục đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách.
7. Xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số
- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).
- Tỷ lệ phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước. đạt 100%, tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%.
- 50% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), 100% các ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP).
- 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ tỉnh đến xã.