A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022

Sáng ngày 09/01/2022, Bộ Công Thương tổ chức trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 tại Hà Nội với đầu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương có đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị có liên quan.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành: Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường và đại diện các phòng chuyên môn của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường.

Năm 2021, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Công Thương đã nỗ lực vượt khó khăn, triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình mới, xu thế mới và đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, nổi bật như: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (2,58). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì động lực của toàn ngành, đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP của cả nước, đóng góp 86,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020; cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với thặng dư khoảng 4 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế.

Công tác kết nối cung cầu được thực hiện tốt, giá cả tương đối ổn định, góp phần đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt trên 3.950 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020 và thuộc 3 nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị trường bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước được tăng cường như hoàn thiện các thể chế pháp luật lĩnh vực ngành quản lý. Công tác cải cách thủ tục hành chính được các đơn vị triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng. Công tác quản lý, đảm bảo trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa được củng cố. Lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế được tăng cường...

Bên cạnh đó, do đại dịch covid-19 dẫn đến hoạt động công thương gặp một số khó khăn như: Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng; gián đoạn nguồn cung cho sản xuất trong nước ở một số thời điểm; năng lực sản xuất công nghiệp chậm được cải thiện, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp có tính nền tảng, then chốt. Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế; liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước còn yếu nên chưa thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành. Chưa có sự tham gia mạnh của các doanh nghiệp trong nước vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2022, toàn ngành Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước tăng 6-6,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7-8%; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 6-8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7-8%...

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, trao đổi, thảo luận làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được đồng thời chỉ ra các hạn chế, yếu kém còn tồn tại và chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế để có những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả của ngành Công Thương đạt được trong năm 2021, vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị ngành Công Thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau: Tiếp tục nghiên cứu quán triệt và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương, chính sách có liên quan về phát triển công nghiệp, thương mại. Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bám sát tình hình trong nước, quốc tế thúc đẩy xuất nhập khẩu theo hướng bền vững, lâu dài, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai các hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do FTA, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh phát triển thương mại nội địa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả chỉ đạo điều hành gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 238
Hôm qua : 504