A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022

Sáng ngày 14/7/2022, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương dự và chỉ đạo Hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công Thương; đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương;…

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Nguyễn Sỹ Chín - Giám đốc Sở Công Thương; đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường và Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường.

Ảnh: Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Lai Châu

Theo báo cáo tại Hội nghị, sáu tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 8,48%, cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng năm 2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%). Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phục hồi tích cực, đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%).

Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, do đại dịch covid-19 dẫn đến hoạt động công thương gặp một số khó khăn như: Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng của cả sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thu hẹp đầu tư cho sản xuất; một số nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới; tình trạng buôn bán, kinh doanh hàng nhập lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả trên thị trường nội địa vẫn còn diễn biến phức tạp....

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, trao đổi, thảo luận làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được đồng thời chỉ ra các hạn chế, yếu kém và chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời phân tích, dự báo bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế để có những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong 6 tháng đầu năm 2022.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả của ngành Công Thương đạt được trong 6 tháng đầu năm 2022. Đồng thời, đề nghị ngành Công Thương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ sau: Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế; tập trung cao để hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành Công Thương năm 2022, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 


Tác giả: Trần Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 245
Hôm qua : 272