A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai các biện pháp đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024; Công văn số 4280/UBND-KTN ngày 07/11/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024;  ngày 08/11/2023, Sở Công Thương ban hành văn bản số 2149/SCT-QLTM đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố, Công ty Điện lực tỉnh và các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biễn thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường; chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan có thẩm quyền phương án đảm bảo cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu nhằm ổn định thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

2. Cục Quản lý thị trường

- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để lưu thông trên thị trường hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt bò để phục vụ người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thông tin về Sở Công Thương các diễn biến bất thường của thị trường để Sở Công Thương kịp thời triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.

- Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.

- Phối hợp thông báo kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương (Đợt 1 trước ngày 22/12/2023, đợt 2 trước ngày 25/01/2024).

3. UBND các huyện, thành phố

- Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời rà soát nguồn cung, thống kê số lượng hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để chủ động xây dựng phương án đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp điều tiết cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

- Phối hợp kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời gian bán hàng, niêm yết giá, đo lường, chất lượng.

          - Hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.

- Báo cáo thống kê nguồn hàng hóa thiết yếu chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trước ngày 15/12/2023 và tình hình thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán trước ngày 25/01/2024 theo phụ lục 01 gửi kèm về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương.

4. Công ty Điện lực Lai Châu

- Xây dựng phương án cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cung cấp điện cho các sự kiện chính trị - xã hội và các khách hàng sử dụng điện quan trọng thuộc diện ưu tiên cấp điện đã được UBND tỉnh phê duyệt. Báo cáo phương án cung cấp điện về Sở Công Thương trước ngày 22/12/2023.

- Trong quá trình triển khai thực hiện phải đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BCT ngày 09 tháng 9 năm 2020 của Bộ Công Thương quy định về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện; không được thực hiện ngừng, giảm cung ứng điện đối với khách hàng sử dụng điện mà không có hình thức thông báo trước.

- Tổ chức kiểm tra điều kiện cung cấp điện an toàn, đảm bảo phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.

5. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu

- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là việc duy trì thời gian bán hàng.

- Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa tiêu dùng: Chủ động nắm bắt thị trường để có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; ưu tiên dự trữ và cung ứng các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam; tích cực mở rộng các kênh phân phối hàng hóa đến các xã vùng sâu, vùng xa và cung ứng đủ số lượng, chủng loại hàng hoá cho hệ thống phân phối; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để kích cầu tiêu dùng.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong việc điều tiết hàng hóa phục vụ nhân dân khi có yêu cầu.

- Báo cáo công tác chuẩn bị dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 về Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố để tổng hợp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 16
Hôm qua : 124