Căn cứ Quyết định số 2393⁄QĐ-SCT ngày 01/11/2022 của Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu. Theo đó, Văn phòng Sở có chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:

A. Chức năng

Tham mưu giúp Giám đốc Sở chỉ đạo, điều hành trong công tác: Tài chính, kế toán; hành chính quản trị; tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm, tổ chức cán bộ; thi đua khen thưởng; cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị mạng, quản trị Website; tổng hợp tình hình đầu tư các dự án, tình hình phát triển của ngành. Thực hiện chế độ báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất theo quy định; tổng hợp các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành.

B. Nhiệm vụ

1. Tham mưu Giám đốc Sở trình UBND tỉnh

- Dự thảo quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Công Thương;

- Dự thảo quyết định thực hiện xã hội hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công ngành công thương thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh và theo phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên;

- Dự thảo quyết định việc phân cấp, ủy quyền nhiệm vụ quản lý nhà nước về công thương cho Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Tham mưu Giám đốc Sở trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Công Thương.

3. Xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Sở, đôn đốc các phòng chuyên môn và đơn vị trực thuộc Sở thực hiện sau khi được Lãnh đạo Sở phê duyệt.

4. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế, vị trí việc làm; thi đua khen thưởng

- Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, giải thể các phòng, đơn vị trực thuộc Sở trình cấp có thầm quyền;

- Phối hợp với các phòng, đơn vị trực thuộc tham mưu quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ các phòng chuyên môn;

- Tham mưu quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở;

- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; công tác thi đua khen thưởng. Tham mưu đề xuất việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ và thực hiện các thủ tục về tuyển dụng, tiếp nhận, luân chuyển, thuyên chuyển, cho thôi việc, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, bổ nhiệm, miễn nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi Sở quản lý theo quy định của Nhà nước và của tỉnh; hoàn thiện thủ tục để Giám đốc Sở trình UBND tỉnh quyết định đối với cán bộ công chức diện tỉnh quản lý; h­ướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác cán bộ trong Sở theo quy định của pháp luật;

- Triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập đối với công chức, viên chức; công khai và lưu giữ bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định. Thực hiện lập hồ sơ và lưu trữ, quản lý hồ sơ công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo phân cấp quản lý; thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

- Báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng công chức, viên chức thuộc phạm vi Sở với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có liên quan.

5. Công tác tài chính, kế toán

- Chủ trì xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách hàng năm của Sở và đơn vị trực thuộc. Hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ, đảm bảo đủ kinh phí hoạt động thực hiện nhiệm vụ công tác và chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Nhà nước và của tỉnh;

- Xây dựng, tổ chức thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công của Văn phòng Sở sau khi được Giám đốc Sở phê duyệt;

- Thanh toán các chế độ về tiền lương và công tác phí, chi tiêu văn phòng;

- Thực hiện báo cáo thu chi ngân sách và báo cáo tài chính theo định kỳ, thường xuyên và đột xuất theo quy định;

- Thực hiện công khai tài chính theo quy định;

- Quản lý về tài chính, tài sản của Sở theo quy định của Nhà nước và của tỉnh;

- Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập Sở theo quy định của pháp luật;

- Tham mưu cấp có thẩm quyền: Bảo đảm nguồn vốn từ ngân sách địa phương để tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công trên địa bàn; cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công.

6. Công tác quản lý hành chính - quản trị

- Tham m­ưu giúp lãnh đạo Sở công tác chỉ đạo, điều hành các hoạt động của cơ quan.

- Chủ trì xây dựng Quy chế làm việc của Sở, Quy chế Văn thư lưu trữ, nội quy cơ quan,…và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Giám đốc Sở phê duyệt. Thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy chế, nội quy cho phù hợp với điều kiện thực tế của Sở và quy định của pháp luật;

- Sắp xếp lịch làm việc của cơ quan, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các nội quy, quy chế của Sở, chuẩn bị các điều kiện cho việc họp giao ban thường kỳ, tổ chức các hội nghị do Sở chủ trì, ghi chép biên bản, thông báo nội dung kết luận của Giám đốc Sở (hoặc người được ủy quyền) và đôn đốc thực hiện;

- Hướng dẫn, chuẩn bị kế hoạch đón tiếp khách khi khách đến làm việc với Lãnh đạo Sở và các phòng chuyên môn;

- Thực hiện các công tác nghiệp vụ về văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu và quản lý bảo mật tài liệu cơ quan theo Quy chế văn thư, lưu trữ của Sở và các quy định của Nhà nước.

7. Tổng hợp thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về hoạt động Công thương trên địa bàn theo quy định của Bộ Công Thương, UBND tỉnh và các báo cáo chuyên đề khác theo yêu cầu của Giám đốc Sở.

8. Phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở thực hiện các công việc

- Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển ngành Công thương của tỉnh, nghiên cứu tham gia, đề xuất kiến nghị với tỉnh, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương về sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trong lĩnh vực Công thương và các lĩnh vực liên quan khác;

- Tổ chức thực hiện các chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành về lĩnh vực Công thương trên địa bàn tỉnh;

- Lập kế hoạch và theo dõi tổng hợp tình hình đầu tư các dự án của ngành.

9. Tổ chức thực hiện công tác phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làm việc và an ninh trật tự cơ quan.

10. Quản lý mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của Sở; chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị thuộc Sở xây dựng và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001-2015; đầu mối tổng hợp triển khai việc thực hiện công tác cải cách hành chính.

11. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong cơ quan thực hiện tốt các phong trào do các đoàn thể phát động; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và các chế độ khác cho cán bộ, công chức trong cơ quan.

12. Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo một số văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và của Giám đốc Sở thuộc một số lĩnh vực quản lý của ngành.

13. Thực hiện các nhiệm vụ, công tác khác do Giám đốc Sở giao.