Căn cứ Quyết định số 797⁄QĐ-SCT ngày 13/5/2024 của Giám đốc Sở Công Thương Lai Châu về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn thuộc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu. Theo đó, Thanh tra Sở Công Thương có chức năng, nhiệm vụ cụ thể như sau:
A. Chức năng
Tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Sở; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định của pháp luật; công tác pháp chế, công tác dân vận, Quy chế dân chủ cơ sở.
Thanh tra Sở chịu sự chỉ đạo của Giám đốc Sở, đồng thời chịu sự hướng dẫn về công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính của Thanh tra tỉnh, về nghiệp vụ Thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Công Thương.
B. Nhiệm vụ
1. Về công tác thanh tra, kiểm tra
- Xây dựng chương trình công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm của Sở trình Giám đốc Sở phê duyệt, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở đối với các đơn vị thuộc ngành và doanh nghiệp ngành quản lý. Đề xuất thành lập thanh tra liên ngành, phối hợp với Thanh tra Nhà nước khi có yêu cầu cần thiết;
- Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương; tiếp công dân, xử lý thư đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí theo quy định pháp luật hoặc theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh;
- Đôn đốc, kiểm tra các đối tượng được thanh tra, kiểm tra thực hiện các quyết định giải quyết sau thanh tra, kiểm tra;
- Thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra đột xuất do Giám đốc Sở hoặc Thanh tra Nhà nước giao.
2. Về công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo (KNTC)
- Tiếp nhận đơn thư KNTC, xử lý, tổng hợp, báo cáo tình hình đơn thư KNTC và kết quả giải quyết KNTC trong ngành;
- Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Sở trong việc tiếp công dân giải quyết KNTC về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Giám đốc Sở;
- Giải quyết KNTC mà thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị thuộc Sở đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại hoặc phát hiện việc giải quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
- Xác minh, kết luận, kiến nghị các vụ việc được giao thanh tra, kiểm tra;
- Xây dựng nội quy tiếp công dân, lịch tiếp dân, bố trí cán bộ tiếp dân. Tổ chức tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất theo quy định của Luật Tiếp công dân.
3. Về thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng chống tham nhũng
- Tổ chức triển khai công tác phòng chống tham nhũng theo luật phòng chống tham nhũng và theo chỉ đạo của cơ quan phòng chống tham nhũng cấp trên;
- Thực hiện công tác thông tin, báo cáo, tổng kết công tác phòng chống tham nhũng thuộc ngành quản lý.
4. Tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, công tác dân vận, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
5. Quản lý sử dụng có hiệu quả tài sản, trang thiết bị được giao theo quy định của nhà nước và của Sở.
6. Phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở, các đơn vị liên quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung của Sở và các công việc khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Sở.