Về hoạt động thông tin tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động
Thông qua Website của Sở đã tuyên truyền về Cuộc vận động với một số tin bài như: Kế hoạch thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017; Kế hoạch tổ chức ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 với chủ đề "Doanh nghiệp vì người tiêu dùng" trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Kế hoạch công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2017; Banner hưởng ứng chương trình nhận diện hàng Việt Nam tự hào hàng Việt Nam năm 2017”. Đồng thời, tuyên truyền các văn bản chỉ đạo về Cuộc vận động, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường...Bên cạnh đó tuyên truyền vận động các cơ sở công nghiệp thương mại tích cực hưởng ứng Cuộc vận động thông qua các hình thức như: Nâng cao tỷ trọng hàng Việt Nam trong cơ cấu hàng hóa kinh doanh, thiết lập điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, hướng về thị trường nội địa, nhất là tập trung phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, biên giới. Qua đó làm cho người tiêu dùng nhận thức được đúng khả năng sản xuất của các doanh nghiệp, chất lượng của các loại sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước. Thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội hợp tác đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp để người tiêu dùng biết, lựa chọn và mua sắm.
Về triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất và quảng bá thương hiệu hàng hóa sản xuất trong tỉnh
Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu đến năm 2020. Trong đó, năm 2017 Chương trình phê duyệt 06 Đề án với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là 900 triệu đồng, tập trung hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Có 02 đề án hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, đầu tư trang thiết bị, mẫu vật phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; 01 đề án bản tin công thương Lai Châu; 01 đề án hỗ trợ tham gia hội chợ quảng bá hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 01 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất chè sao lăn; 01 đề án hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lai Châu năm 2017 gồm 18 đề án với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là 1.085.719.000 đồng. Trong đó, có 12 đề án hỗ trợ cho tổ chức cá nhân đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ công nghiệp thương mại; 05 đề án hỗ trợ công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư, tạo dựng mối quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết đầu tư, kết nối giao thương với các tổ chức Xúc tiến thương mại, hiệp hội, ngành hàng và 01 đề án tuyên truyền, quảng bá, tiêu thụ hàng hóa đặc biệt là hàng hóa nông sản cho khu vực nông thôn, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Thông qua thực hiện các đề án của Chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao kiến thức, kỹ năng kinh doanh, năng lực quản lý, sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường (cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm); quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong và ngoài nước. Từ đó góp phần tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết trong đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.
Về hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường:
9 tháng đầu năm 2017, Sở Công Thương đã tiếp nhận và theo dõi 04 hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh, các hội chợ chủ yếu tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thu hút trên 200 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 40 nghìn lượt người tham gia mua sắm doanh thu bán hàng khoảng 04 tỷ đồng. Các ngành hàng tham gia hội chợ rất đa dạng, phong phú gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương như nông sản, thảo dược, thổ cẩm và các mặt hàng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất như đồ may mặc, đồ dùng gia đình, sành sứ, hóa mỹ phẩm, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng văn hóa phẩm, chế biến, bánh kẹo, giầy dép, đồ gỗ nội thất, giống cây trồng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Tỷ trọng hàng Việt Nam trong hội chợ chiếm 70-80%.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương như Chè Ôlong; chè Kim tuyên hộp; chè Kim Tuyên túi hút chân không; chè Sencha hộp; chè xanh Tân Uyên hộp bát giác; gạo Séng cù Than Uyên; miến dong; vải thổ cẩm và một số sản phẩm hàng hóa khác tham gia Hội chợ thương mại khu vực Đồng bằng Sông Hồng-Ninh Bình 2017. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng hàng ngày của Nhân dân chủ yếu là nhập từ các tỉnh, thành trong cả nước do đó để kết nối giữa nhà sản xuất với nhà kinh doanh phân phối, Sở đã tổ chức và giới thiệu một số doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp tổ chức tại một số tỉnh, thành trong nước nhằm thúc đẩy tạo lập mối liên kết trong hoạt động đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt để thiết lập kênh phân phối hàng Việt thông qua hệ thống bán lẻ, các cửa hàng tiện ích, các chợ, siêu thị, các chuyến bán hàng lưu động tổ chức trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý thị trường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:
Sở đã ban hành Kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất, các kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực Công Thương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông trên thị trường; tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm; tăng cường biện pháp kiểm soát ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ và khuyến cáo cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng trong giao dịch mua bán. Qua đó đã góp phần bình ổn giá cả thị trường và nâng cao uy tín, vị thế hàng Việt Nam trong tâm thức của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường 9 tháng đầu năm 2017 đã kiểm tra, phát hiện và xử lý ước tính 274 vụ vi phạm, trong đó: Vi phạm hàng cấm 11 vụ; vi phạm hàng nhập lậu 18 vụ; vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ 10 vụ; vi phạm về đầu cơ, găm hàng và sai phạm trong lĩnh vực giá 30 vụ; vi phạm trong kinh doanh 165 vụ; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm 38 vụ; vi phạm khác 2 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tiền bán hàng tịch thu ước tính 655,22 triệu đồng.
Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với thực hiện cuộc vận động:
Thực hiện Kế hoạch 2453/KH-UBND ngày 07/12/2016 của UBND tỉnh Lai Châu về tổ chức ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2017, Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức Lễ phát động Hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam” 15 tháng 3. Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam - ngày 15 tháng 3 năm 2017 được tổ chức lần thứ hai đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và nền kinh tế đất nước. Đồng thời, cũng là dịp để kêu gọi, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của toàn xã hội tới công tác này. Qua đó, nâng cao nhận thức trong hành vi tiêu dùng hàng ngày, hướng tới việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ an toàn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.