Ngành Công Thương Lai Châu: Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2016, phương hướng nhiệm vụ năm 2017.


2016-11-30 - Năm 2016, ngành Công Thương Lai Châu đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với kết quả cụ thể như sau:

Về triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất và quảng bá thương hiệu hàng hóa sản xuất:

Triển khai Quyết định số 30/2015/QĐ-UBND ngày 27/11/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về ban hành quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Lai Châu đến năm 2020. Trong đó, năm 2016 Chương trình phê duyệt 6 Đề án với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là 803,9 triệu đồng, tập trung hỗ trợ các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Có 02 đề án hỗ trợ cho doanh nghiệp trình diễn kỹ thuật sản xuất viên gỗ nén xuất khẩu, ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nhựa; 04 đề án hỗ trợ các hoạt động như tuyên truyền, tập huấn kiến thức, giới thiệu quảng bá sản phẩm, thông tin thị trường và học tập kinh nghiệm.

 Triển khai Quyết định số 38/2015/QĐ-UBND ngày 11/12/2015 của UBND tỉnh Lai Châu về quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lai Châu, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Lai Châu năm 2016 gồm 04 đề án với nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ là 157 triệu đồng. Trong đó, có 02 đề án hỗ trợ cho tổ chức cá nhân đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ công nghiệp thương mại; 02 đề án hỗ trợ công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, tìm kiếm đối tác đầu tư, tạo dựng mối quan hệ hợp tác, liên doanh liên kết đầu tư, kết nối giao thương với các tổ chức Xúc tiến thương mại, hiệp hội, ngành hàng.

Về kết quả triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam theo Quyết định số 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Trong năm 2016, Sở Công Thương đã hỗ trợ từ ngân sách của Đề án xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Tân Uyên. Điểm bán có không gian rộng rãi, văn minh, lịch sự, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú, có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và niêm yết giá công khai; thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện đến tham quan và mua sắm, doanh thu tăng 1,5 lần so với trước khi triển khai điểm bán. Đây là mô hình phối hợp hiệu quả nhất giữa nhà nước - doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện Cuộc vận động. Sự thành công của mô hình thí điểm này sẽ từng bước nhân rộng thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Về hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường:

Đã tiếp nhận và theo dõi 06 hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh, các hội chợ chủ yếu tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thu hút trên 300 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 40 nghìn lượt người tham gia mua sắm doanh thu bán hàng khoảng 06 tỷ đồng. Các ngành hàng tham gia hội chợ rất đa dạng, phong phú gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương và các mặt hàng khác sản xuất trong nước; tỷ trọng hàng Việt Nam trong hội chợ chiếm 70-80%.

Bên cạnh đó, Sở Công thương hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong tỉnh tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương như Chè Ôlong; chè Kim tuyên hộp; chè Kim Tuyên thường; chè xanh hộp nhúng; chè Tam Đường; gạo tẻ dâu; miến dong; vải thổ cẩm và một số sản phẩm hàng hóa khác tham gia Hội chợ quốc tế vùng Tây Bắc năm 2016 tại tỉnh Sơn La, hội chợ Công thương vùng Đông bắc năm 2016 tại Tuyên Quang, Hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng bắc bộ năm 2016 tại Thái Bình và một số hội chợ tại các tỉnh khác.

 Công tác quản lý thị trường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:

Để tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính. Sở đã ban hành Kế hoạch kiểm tra kiểm soát thị trường thường xuyên và đột xuất, các kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực Công Thương; chỉ đạo triển khai đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, kiểm tra xử lý vi phạm trong sản xuất kinh doanh bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa. Qua đó đã góp phần bình ổn giá cả thị trường và nâng cao uy tín, vị thế hàng Việt Nam trong tâm thức của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường 10 tháng đầu năm 2016 đã phát hiện xử lý 295 vụ vi phạm, trong đó: vi phạm về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm 31 vụ; vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng và quyền sở hữu trí tuệ 23 vụ; vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng 02 vụ; vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chống dịch 76 vụ; vi phạm trong kinh doanh 162 vụ; vi phạm khác 01 vụ. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hóa tịch thu ước tính 766,231 triệu đồng.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gắn với thực hiện cuộc vận động: Thực hiện Kế hoạch 211/KH-UBND ngày 18/02/2016 của UBND tỉnh Lai Châu về tổ chức ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2016, Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức Lễ phát động Hưởng ứng “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam” 15 tháng 3. Đây là lễ phát động được tổ chức lần đầu nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Qua đó, nâng cao nhận thức trong hành vi tiêu dùng hàng ngày, hướng tới việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ an toàn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương sẽ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực, làm cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264/TW, Kết luận số 107-KL/TƯ của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động.

- Tăng cường đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong tỉnh để tiêu thụ trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu.

- Tích cực tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hàng hoá, dịch vụ; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh; kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại khác theo pháp luật. Kích thích và tăng cường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động.

- Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân, nhất là thời điểm mùa mưa lũ và các ngày lễ, Tết. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; mở rộng mạng lưới phân phối, thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Nguồn:Trần Thu - Lê Phương