Ngành Công Thương: Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” 6 tháng đầu năm 2015


2015-07-01 - Tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 6 tháng đầu năm 2015, Ngành Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động, kết quả cụ thể như sau:

      Về triển khai Đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020:

     Sở Công Thương là đơn vị chủ trì tổ chức triển khai Dự án mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Sìn Hồ, đến nay đang thực hiện việc khảo sát địa điểm xây dựng mô hình điểm về điểm bán hàng Việt và thực hiện việc ký kết hợp đồng.

     Xây dựng và tham mưu UBND tỉnh Lai Châu đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt Dự án mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Tân Uyên, sau khi được Bộ Công Thương phê duyệt sẽ thực hiện trong năm 2016.

    Về hoạt động Hội chợ, triển lãm: Tổ chức thành công Hội chợ Công nghiệp - Thương mại vùng Tây Bắc năm 2015. Hội chợ thu hút trên 100 tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia với 187 gian hàng tiêu chuẩn; thu hút trên 30.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm với tổng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp đạt trên 02 tỷ đồng. Hàng hóa tham gia Hội chợ đa dạng, phong phú về chủng loại gồm các mặt hàng tiêu biểu của các địa phương như: Chè, miến dong, thổ cẩm của tỉnh Lai Châu; tinh dầu hoa hồi của tỉnh Lạng Sơn; đồ gỗ mỹ nghệ của tỉnh Bình Thuận; đồ gốm sứ, tranh khảm trai của Thành phố Hà Nội; rượu Thiên Hương, rượu làng Đôn của tỉnh Hà Giang; tranh đá của tỉnh Yên Bái và một số mặt hàng, sản phẩm có chất lượng của các cơ sở công nghiệp trong vùng.

    Giám sát 07 hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh thu hút trên 262 lượt doanh nghiệp tham gia với trên 370 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt, thu hút trên 16.400 lượt khách tham quan mua sắm và doanh thu đạt trên 6,6 tỷ đồng; tỷ trọng hàng Việt Nam trong các hội chợ chiếm 70-80%.

    Hỗ trợ một số doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia hội chợ triển lãm, thương mại tại một số tỉnh khu vực phía Bắc để giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của địa phương như: Chè, miến dong Bình Lư, vải thổ cẩm, rượu Mông Kê và một số sản phẩm khác.

    Thông qua các Hội chợ, có nhiều hoạt động giao thương, liên kết hợp tác kinh doanh và phân phối sản phẩm hàng hóa giữa các doanh nghiệp của các tỉnh trong khu vực tham gia hội chợ.

    Về chương trình bình ổn thị trường: Chủ trì phối hợp với Sở Tài Chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng ngân sách 39 tỷ đồng (không tính lãi suất) cho 17 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường và phục vụ sản xuất. Hầu hết hàng hóa dự trữ thực hiện chương trình bình ổn thị trường đều là hàng sản xuất trong nước. Hệ thống cung ứng hàng hóa của các doanh nghiệp đầu mối được mở rộng đến các cụm xã đã tạo điều kiện cho người dân được sử dụng hàng hóa có chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá cả hợp lý, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

    Sáu tháng cuối năm 2015, Sở Công thương tiếp tục triển khai thực hiện Dự án mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; Triển khai 04 đề án “tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa” trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hội chợ, triển lãm, quảng bá hàng Việt với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hàng hoá, dịch vụ; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh; kiên quyết xử lý các hành vi  sản xuất kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại khác theo pháp luật./.

Nguồn:Lê Phương