Nghị định Quy định chi tiết về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh


2014-08-01 - Ngày 21⁄7⁄2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71⁄2014⁄NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

           Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính như cảnh cáo hay phạt tiền. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung. Ngoài các hình thức xử phạt trên, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, hợp nhất; buộc bán lại phần doanh nghiệp đã mua; buộc cải chính công khai; buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh; buộc sử dụng hoặc bán lại các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp đã mua nhưng không sử dụng;…

          Nghị định Quy định: Mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; Mức phạt quy định tại Mục 4, Mục 5 chương II Nghị định này là mức áp dụng đối với hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện. Cá nhân có cùng hành vi vi phạm thì mức tiền phạt đối với cá nhân bằng một phần hai lần mức phạt tiền đối với tổ chức; Mức tiền phạt cụ thể đối một hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm pháp luật về cạnh tranh khác là mức trung bình của khung tiền phạt được qquy định đối với hành vi đó, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt, nếu có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

          Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về dân sự.

        Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2014 và thay thế Nghị định số 120/2005/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 2005 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh; hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh được thực hiện trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì áp dụng quy định xử lý xử phạt có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.

        Chi tiết Nghị định xem tại đây.

 

 

Nguồn:Nguyễn Luyến