Giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Sở Công Thương


2021-08-13 - Thực hiện Quyết định số 847⁄QĐ-UBND ngày 14⁄7⁄2021 của UBND tỉnh Lai Châu công bố kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2020 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Tháng; UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ngày 08⁄8⁄2021, Sở Công thương đã tổ chức họp giao ban định kỳ tháng 8⁄2021. Sau khi tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham gia tại cuộc họp, Giám đốc Sở yêu cầu Ban Lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn thuộc Sở tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ để nâng cao chỉ số cải cách hành chính năm 2021 và những năm tiếp theo trong lĩnh vực Công thương như sau:

1. Tăng cường công tác chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xác định rõ kết quả đối với từng nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của từng phòng và công chức được giao đối với từng chỉ số cải cách hành chính. Trên cơ sở đó, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện để chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế; triển khai, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Sở Công thương.

2. Chủ động triển khai việc rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc của Sở theo các quy định của bộ ngành, trung ương; kịp thời tham mưu, phối hợp các phòng, đơn vị thuộc Sở, xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan khi có sự thay đổi; tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. 

3. Thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng kinh phí quản lý hành chính và tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thực hiện tốt việc tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng kinh phí của Sở, đơn vị trực thuộc sở và đảm bảo phương tiện, điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

4. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả toàn bộ những nhiệm vụ tuyên truyền về cải cách hành chính của tỉnh. Đẩy mạnh cung cấp thông tin dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 một cách thường xuyên, thông qua nhiều hình thức.

5. Đẩy mạnh rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết, các giấy tờ, biểu mẫu, tờ khai không cần thiết, làm khó người dân, tổ chức, doanh nghiệp, gây phiền hà, mất thời gian và công sức của khách hàng và cả cơ quan quản lý; tập trung hỗ trợ thực hiện TTHC ngay từ hồ sơ đầu vào để nâng cao chất lượng, tránh việc phải bổ sung nhiều lần, giảm tối đa số lần đi lại cho khách hàng. Những quy định, chính sách, thủ tục, biểu mẫu được ban hành mới hay có thay đổi cần nhanh chóng cập nhật, phổ biến, hướng dẫn cho khách hàng qua những kênh thông tin thiết thực, hiện đại; mạnh dạn, chủ động khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin truyền thông, mạng di động để cung cấp thông tin và tương tác với khách hàng trực tuyến. Toàn bộ thông tin khách hàng phải được nhập đầy đủ trên phần mềm một cửa điện tử để xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, sẵn sàng cung cấp thông tin, giới thiệu dịch vụ công và lấy ý kiến khách hàng khi cần thiết.

6. Các phòng chuyên môn thuộc Sở chủ động rà soát, phân công công chức có trình độ chuyên môn phù hợp, làm việc có tinh thần trách nhiệm cao để thực hiện việc giải quyết các thủ tục hành chính đảm bảo chất lượng; sẵn sàng hỗ trợ công chức của Sở trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vấn đề mà các tổ chức, cá nhân còn vướng mắc. Tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc và quy trình giải quyết thủ tục hành chính đã được phê duyệt; các hồ sơ trễ hẹn phải thông báo trước và có công văn xin lỗi khách hàng đồng thời hẹn lại rõ ràng thời gian trả kết quả lần sau; kết quả trả lời, giải đáp những phản ánh, kiến nghị phải được phản hồi trực tiếp, nhanh chóng cho khách hàng và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Sở, niêm yết tại nơi làm việc hoặc qua số điện thoại đăng ký của tổ chức, công dân trong Giấy hẹn trả kết quả.

7. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, điều chỉnh những bất cập, thiếu sót trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức yêu cầu thêm các giấy tờ sai quy định, nhũng nhiễu, tiêu cực, có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, hướng dẫn chưa tận tình, rõ ràng và đầy đủ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của Sở.

8. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nơi ngồi chờ giải quyết công việc tại cơ quan đủ chỗ ngổi; trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức tại cơ quan đầy đủ, hiện đại, dễ sử dụng góp phần thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao hơn đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công, cải thiện chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công của Sở.

9. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành; khai thác và sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hộp thư công vụ, áp dụng chữ ký số một cách có hiệu quả, đảm bảo trên 90% văn bản được ký số ban hành trên môi trường điện tử; việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng qua đó nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, tiết kiệm tối đa chi phí văn phòng phẩm.

Nguồn:TT