Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn: Hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến Công và Xúc tiến thương mại chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 07 kênh phân phối hàng Việt từ khu vực sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc (kỳ phiên chợ) tại các huyện trong tỉnh. Các kỳ phiên chợ thu hút hơn 80 lượt doanh nghiệp tham gia với trên 185 gian hàng, đã thu hút trên 8.600 lượt khách tới tham quan mua sắm và doanh thu đạt hơn 3,7 tỷ đồng. Các sản phẩm, hàng hóa được trưng bày, giới thiệu tại kỳ phiên chợ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng. Trong kỳ phiên chợ còn diễn ra các hoạt động như: tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các hoạt động giới thiệu và bán hàng Việt Nam; hoạt động tư vấn hướng dẫn tiêu dùng; khuyến mại; tặng quà và một số các hoạt động khác.
Hoạt động Hội chợ, triển lãm: Trong 5 năm qua, Sở đã xác nhận và giám sát 61 hội chợ tổ chức trên địa bàn tỉnh thu hút trên 4.136 lượt doanh nghiệp tham gia với trên 5.228 gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm hàng Việt, thu hút trên 540.379 lượt khách tham quan mua sắm và doanh thu đạt trên 87,4 tỷ đồng. Hàng hóa tham gia hội chợ đa dạng, phong phú bao gồm các mặt hàng truyền thống của địa phương như: nông sản, thảo dược, thổ cẩm và các mặt hàng của các doanh nghiệp trong nước sản xuất như: đồ may mặc, giầy dép, sành sứ, hóa mỹ phẩm, đồ gỗ nội thất, đồ dùng gia đình, thực phẩm chế biến, giống cây trồng, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Tỷ trọng hàng Việt Nam trong hội chợ chiếm 70-80%.
Tháng 4 năm 2014, Sở đã tham mưu tổ chức thành công Hội chợ thương mại Quốc tế Lai Châu năm 2014. Hội chợ thu hút trên 200 tổ chức, doanh nghiệp trong nước và Quốc tế tham gia với 358 gian hàng; thu hút trên 50.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và doanh thu đạt trên 6 tỷ đồng; đã có 10 hợp đồng hợp tác thương mại được ký kết giữa các doanh nghiệp tham gia hội chợ. Đây là hội chợ thương mại Quốc tế lần đầu tiên tổ chức tại tỉnh Lai Châu, qua đó đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong cả nước tìm hiểu, nghiên cứu thị trường vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Lai Châu nói riêng để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thiết lập kênh phân phối đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn vào hệ thống phân phối.
Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến Công và xúc tiến thương mại thực hiện các chương trình xúc tiến thị trường trong nước để hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong tỉnh giới thiệu sản phẩm hàng hóa sản xuất của địa phương thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm như: Hội chợ thương mại, du lịch Việt Nam - Lào tổ chức tại tỉnh Điện Biên, hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc tại Bắc Ninh, Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt - Trung tổ chức tại tỉnh Lào Cai; Hội chợ Công nghiệp thương mại quốc tế Việt - Trung tổ chức tại tỉnh Hà Giang; Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và hàng tiêu dùng khu vực miền núi phía bắc tại tỉnh Hòa Bình; Hội chợ Hùng Vương tổ chức tại tỉnh Phú Thọ; Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng tây bắc tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang và một số hội chợ tại các tỉnh khác.
Chương trình bình ổn thị trường: Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với Sở Tài Chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tạm ứng ngân sách trên 88,5 tỷ đồng (không tính lãi suất) thực hiện công tác bình ổn thị trường. Chương trình bình ổn thị trường cũng là một trong chuỗi những hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động; hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường chủ yếu tập trung vào các hàng hóa sản xuất trong nước, thông qua các điểm bán hàng bình ổn và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Chương trình bình ổn thị trường đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời định hướng, khuyến khích thói quen tiêu dùng hàng Việt, tại các điểm bán hàng bình ổn tỷ lệ hàng Việt bày bán chiếm 70-80%.
Công tác quản lý trường: Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân; chú trọng kiểm tra hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng; đồng thời khuyến cáo cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng trong giao dịch mua bán. Qua đó đã góp phần bình ổn giá cả thị trường và nâng cao uy tín, vị thế hàng Việt Nam trong tâm thức của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Về kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường: ước thực hiện từ khi phát động Cuộc vận động đến nay, lực lượng QLTT đã tuyên truyền hướng dẫn pháp luật cho hơn 18.199 cơ sở, phát hiện và xử lý 1.434 vụ với số tiền xử lý vi phạm hành chính và trị giá tang vật trên 2,4 tỷ đồng.
Các hoạt động khác: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương và UBND tỉnh, Sở đã tham mưu thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Lai Châu. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Lai Châu là một tổ chức xã hội, tự nguyện thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mục đích hoạt động của Hội là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, người tiêu dùng, của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính theo quy định của pháp luật, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2013, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với Ngân hàng nhà nước tổ chức 02 gian hàng trưng bày và hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả tại hội chợ thương mại Việt - Lào năm 2013 tại Sân vận động thị xã Lai Châu với chủ đề hưởng ứng Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Trong thời gian diễn ra gian hàng đã thu hút trên 250 lượt người tham quan và được tư vấn khi chọn mua hàng hóa nên căn cứ vào các tiêu chí, nhãn mác để tránh mua phải hàng giả. Hàng hóa trưng bày gồm: Phụ tùng xe máy, mũ bảo hiểm, các loại dầu gội đầu, mì chính, bột giặt, nước rửa chén, ...; các loại tiền, mệnh giá: 10.000, 20.000, 50.000, 100.000, 200.000, 500.000. Các mẫu trưng bày gồm cả mẫu hàng thật và mẫu hàng giả với đầy đủ các chỉ dẫn về chi tiết giả, hình dáng mẫu mã bên ngoài, tem sản xuất... nhằm giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, đối chiếu.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Các kỳ phiên chợ phân phối hàng Việt từ khu vực sản xuất đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc tuy đã được triển khai tổ chức trên địa bàn các huyện trong tỉnh nhưng chưa nhiều và chưa thường xuyên, liên tục. Đồng thời kinh phí dành cho tổ chức các hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn hạn chế nên công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, hệ thống đường giao thông đi lại khó khăn, cước phí vận tải cao đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của một số hàng hóa sản xuất trong nước. Lực lượng Quản lý thị trường mỏng, trang thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, trong khi địa bàn tỉnh rất rộng vì vậy công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản xuất trong nước vẫn còn một số hạn chế. Một số doanh nghiệp đã lợi dụng các hình thức khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó giảm đi mục đích và ý nghĩa của Cuộc vận động; bên cạnh đó một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý tiêu dùng hàng ngoại. Hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu lớn tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng.
Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa Cuộc vận động, Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo tỉnh và Chương trình hành động của Bộ, cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc vận động bằng những việc làm thiết thực, làm cho người dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264/TW của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động. Tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại hội chợ, triển lãm, quảng bá hàng Việt với chủ đề “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng năm tổ chức các kỳ phiên chợ đưa hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành hợp lý về phục vụ nhân dân, nhất là khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Chú trọng vận động các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; mở rộng mạng lưới phân phối, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tích cực tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về hàng hoá, dịch vụ; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, kiểm soát để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh; kiên quyết xử lý hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và các hành vi gian lận thương mại khác theo pháp luật. Kích thích và tăng cường tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, nâng cao hiệu quả của Cuộc vận động. Tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng đủ các loại hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu của nhân dân, nhất là thời điểm chuẩn bị vào năm học mới và các ngày Lễ, Tết. Vận động và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng hóa thương hiệu Việt kết hợp với bán hàng bình ổn thị trường để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới.