Nâng cao nhận thức của Nhân dân về thói quen tiêu dùng hàng Việt


2020-11-18 - Mô hình “Tự hào hàng Việt Nam” được triển khai trên địa bàn tỉnh đã góp phần từng bước kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận với thị trường, đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với người dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và đời sống sinh hoạt của Nhân dân; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và thói quen tiêu dùng hàng Việt hoàn thành mục tiêu Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đến nay, Sở Công Thương đã phối hợp với các địa phương, đơn vị lựa chọn xây dựng được 3 mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Diện tích mỗi điểm bán hàng tối thiểu là 80m2. Hàng hóa bày bán tại các điểm bán hầu hết là hàng sản xuất trong nước, chủng loại đa dạng, xuất xứ rõ ràng, chất lượng bảo đảm, giá hàng hóa được niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết. Vị trí các điểm bán hàng Việt được lựa chọn thực hiện mô hình nằm tại trung tâm thị trấn của huyện, tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mô hình này được thiết lập đã và đang là kênh phân phối hàng Việt uy tín và có tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng...

Mặc dù, số lượng điểm bán trên địa bàn chưa nhiều, nhưng các điểm bán hàng Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng và là địa chỉ mua sắm tin cậy của người dân trong khu vực. Chính vì vậy, doanh thu bán hàng một ngày của các điểm bán hàng Việt Nam tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với trước thời điểm chưa thiết lập điểm bán hàng Việt Nam. Ngoài các điểm bán hàng Việt được thiết lập, các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước còn được phân phối thông qua 4 siêu thị và trên 6.000 cửa hàng, điểm bán của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh được phân bố đến các cụm xã vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi, mua bán hàng hóa, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, góp phần thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.

Với sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng sự quyết liệt của ngành Công thương trong việc triển khai mô hình “Tự hào hàng Việt Nam”, nhận thức và hành vi tiêu dùng hàng Việt Nam của người dân trong tỉnh đã có những chuyển biến đáng kể. Hàng hóa sản xuất trong nước được cung ứng chiếm từ 70-85% thị phần hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Tâm lý "chuộng hàng ngoại" của một bộ phận người dân đã thay đổi rõ nét. Nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn và tin tưởng các sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Mô hình “Tự hào hàng Việt Nam” không chỉ tạo ra sự tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng khu vực vùng nông thôn mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Người dân khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được mua sắm những mặt hàng có chất lượng do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó có thêm thông tin so sách, đánh giá chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng ngoại bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Để các điểm bán hàng này hoạt động đúng tiêu chuẩn, trong thời gian tới Sở Công Thương sẽ phối hợp với Cục quản lý thị trường, các cơ quan quản lý tại địa bàn các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kết hợp với hoạt động tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh thương mại thực hiện tốt việc cung ứng hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; kịp thời ngăn chặn hành vi kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… để trục lợi gây mất niềm tin của người dân. Đồng thời giám sát điểm bán hàng Việt Nam trong việc duy trì và thực hiện các cam kết.

Nguồn:Phòng Quản lý Thương mại