Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Chỉ đạo tỉnh đã phối hợp với các tổ chức thành viên, sở, ban ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo lồng ghép với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các phong trào thi đua yêu nước. Qua cuộc vận động, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; người tiêu dùng đã tin tưởng vào chất lượng hàng hóa cũng như dịch vụ trong nước, từ đó ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, xu thế dùng hàng Việt ngày càng tăng.
Tổ chức 20 phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, các phiên chợ đã thu hút 250 doanh nghiệp tham gia và trên 30.000 lượt khách tham quan, mua sắm; tổ chức thành công Hội chợ thương mại Quốc tế năm 2014 với quy mô 350 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia; Hội chợ Công nghiệp - Thương mại vùng Tây Bắc năm 2015 với quy mô 187 gian hàng với các sản phẩm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước; xác nhận và giám sát các doanh nghiệp tổ chức 80 hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh với các ngành hàng truyền thống của địa phương như nông sản, thổ cẩm, các mặt hàng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Các lực lượng chức năng đã kiểm tra 21.763 lượt cơ sở, phát hiện, xử lý 8.380 vụ vi phạm, trong đó về buôn bán vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu là 2.880 vụ, vi phạm gian lận thương mại, truy thu thuế là 4.994 vụ; vi phạm hàng giả, hàng kém chất lượng 504 vụ; tổng số tiền vi phạm hành chính và trị giá tang vật trên 39,5 tỷ đồng... Cuộc vận động đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tăng cường tập trung đầu tư công nghệ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý; hàng hóa, dịch vụ sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng từ 80-90% thị phần hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ các hạn chế, khó khăn, vướng mắc đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và đề xuất các giải pháp, phương hướng nhằm thực hiện tốt Cuộc vận động trong thời gian tới.
Phát biểu Chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Giàng A Tính - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: thời gian tới, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu, tin dùng hàng Việt; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Quan tâm bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng kênh phân phối hàng Việt thuận tiện, linh hoạt; tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động giai đoạn 2020-2030 sát với các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Nhân dịp này, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động của tỉnh khen thưởng 12 tập thể và 18 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh.