Về dự Hội nghị có các đồng chí: Hoàng Kiều Anh - Phó Giám đốc Sở Công Thương; Đại diện Lãnh đạo Phòng Kinh tế Thành Phố, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện; UBND phường Đông Phong; Lãnh đạo Ban Quản lý chợ đầu mối cùng một số thương nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ đầu mối tỉnh Lai Châu.
Để đảm bảo ATTP nói chung, ATTP tại chợ nói riêng nhằm hạn chế đến mức tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra do tiêu dùng thực phẩm không đảm bảo. Sở Công thương đã xây dựng và đề xuất với Bộ Công thương Dự án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP”. Căn cứ các tiêu chí cụ thể và mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP đã được UBND tỉnh phê duyệt; trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá các chợ kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã đề xuất và lựa chọn Chợ đầu mối tỉnh để triển khai “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP” trên địa bàn tỉnh. Do Chợ đầu mối đang được đầu tư xây dựng mới, có đủ tiêu chí về quy hoạch, cơ sở vật chất và có vị trí lợi thế về kinh doanh thương mại, giao thông thuận lợi thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Chợ đầu mối nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; tổng diện tích xây dựng là 10.461m2 với tổng vốn đầu tư hơn 190 tỷ đồng; nhà chợ ngoài ngoài trời có mái che; kinh doanh thực phẩm có 250 hộ.
Trong thời gian triển khai dự án, Sở Công Thương đã tổ chức cho cán bộ làm công tác quản lý chợ của Công ty TNHH số 10 - Lai Châu và một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về chợ trên địa bàn thành phố (UBND phường Đông Phong, Phòng kinh tế thành phố, Sở Công Thương) đi khảo sát, học tập kinh nghiệm về xây dựng mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại tỉnh Quảng Ninh. Hỗ trợ thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ một số trang, thiết bị đáp ứng tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm như: bàn, giá, kệ bán hàng, tên biển hiệu, thùng đựng rác. Hỗ trợ và hướng dẫn cho cán bộ Ban quản lý chợ thiết bị kiểm tra chất lượng thực phẩm (bộ test nhanh an toàn thực phẩm); cân đối chứng cho đơn vị quản lý chợ để thực hiện nhiệm vụ cảnh báo sớm về ngộ độc thực phẩm và phòng chống gian lận thương mại trong phạm vi chợ. Tổ chức tuyên truyển, phổ biến kiến thức về đảm bảo VSATTP cho các hộ kinh doanh trong chợ. Hỗ trợ đơn vị Quản lý chợ làm biển hiệu nhận diện Chợ an toàn thực phẩm và các biển hiệu chỉ dẫn phân khu, ngành hàng trong chợ. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về mô hình chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hướng dẫn đơn vị Quản lý chợ thực hiện việc đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thu gom rác thải; hệ thống cấp, thoát nước; hệ thống ánh sáng…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Kiều Anh - Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngoài các hoạt động hỗ trợ trên, Sở Công thương sẽ phối hợp với UBND thành phố hướng dẫn Ban quản lý chợ đầu mối tỉnh tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng chợ; thực hiện tập huấn kiến thức ATTP cho các hộ kinh doanh và vận động các hộ kinh doanh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh đảm bảo ATTP. Tiếp tục đề xuất kiến nghị với Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ thêm một số mô hình thí điểm tại các huyện. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, đơn vị quản lý chợ chủ động đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng chợ do đơn vị quản lý đáp ứng theo các tiêu chí chợ ATTP.