Quy hoạch dựa trên cơ sở “Báo cáo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020; Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu thời kỳ 2011 - 2015”.
Theo đó, mục tiêu cụ thể của Quy hoạch đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp (GO) đạt 2.979 tỷ đồng và năm 2020 đạt 6.814 tỷ đồng (giá so sánh 2010). Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp giai đoạn 2011 - 2015 là 59,3%/năm (trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khai thác đạt 39,82%/năm; Công nghiệp chế biến đạt 18,41%/năm; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước đạt 110,28%/năm), giai đoạn 2016 - 2020 là 17,4%/năm (trong đó tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp khai thác đạt 7,05%/năm; Công nghiệp chế biến đạt 10,08%/năm; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước đạt 23,38%/năm); Cơ cấu ngành Công nghiệp - Xây dựng trong các ngành kinh tế chiếm tỷ trọng 41,0% năm 2015, tăng lên 44,0% năm 2020.
Quy hoạch đã định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2020: Tăng cường khai thác lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, điều kiện đất đai để tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh như thủy điện, chế biến nông - lâm - thủy sản, khai thác khoáng sản.... Phát triển các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề truyền thống để phục vụ nhu cầu sản xuất công nghiệp ở nông thôn; thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao như cơ khí, thiết bị điện. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy thủy điện đã được cấp chứng nhận đầu tư, sớm đưa một số công trình thủy điện vào vận hành để bổ sung nguồn điện cho hệ thống lưới điện quốc gia. Tăng cường hợp tác với các địa phương khác, thực hiện phân công trong việc phát triển công nghiệp giữa Lai Châu với các Tỉnh Vùng Trung du miền núi Bắc bộ để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của công nghiệp. Đến năm 2020, công nghiệp Lai Châu phải là công nghiệp thân thiện với môi trường, công nghiệp sạch. Ngành công nghiệp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực chế biến sâu với công nghệ và thiết bị hiện đại, các sản phẩm của công nghiệp Lai Châu có chất lượng, giá trị và có khả năng cạnh tranh cao.

Bản đồ Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020
Quy hoạch định hướng một số dự án trọng điểm: Dự án khai thác đất hiếm Đông Pao, huyện Tam Đường: Giai đoạn 2012 - 2015 với công suất khai thác 720.000 tấn quặng/năm, công suất chế biến 20.000 tấn REO riêng rẽ/năm; Giai đoạn 2016 - 2020 với công suất khai thác 1,1 triệu tấn quặng/năm, công suất chế biến 30.000 tấn REO riêng rẽ/năm; Xây dựng 3 nhà máy chế biến mủ cao su tại Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ với tổng công suất 3.000 tấn/năm (giai đoạn 2012 - 2015); 04 nhà máy chế biến mủ cao su tại Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ, Than Uyên đưa tổng công suất chế biến lên 30.000 tấn/năm (giai đoạn 2016 - 2020); xây dựng nhà máy chế biến các loại cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm) ở Tam Đường, Phong Thổ công suất 2.000 tấn/năm; Xây dựng nhà máy gạch tuynel tại thị trấn Nậm Nhùn công suất 10 triệu viên/năm; Xây dựng hệ thống xưởng sửa chữa cơ điện, điện tử tại huyện, thị xã; xây dựng xưởng sửa chữa thuyền, tàu sông tại thị trấn Nậm Nhùn, huyện Mường Tè, Sìn Hồ; phấn đấu hoàn thành 36 công trình thủy điện đưa vào sử dụng với tổng công suất trên 2.350MW, trong đó một số thủy điện lớn như: Thủy điện Bản Chát; Huội Quảng; Thủy điện Nậm Na 2; Thủy điện Nậm Na 3; Thủy điện Lai Châu.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020: Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 (bao gồm cả hạ tầng các khu, cụm công nghiệp): 71.155 tỷ đồng; huy động các nguồn vốn như: Ngân sách, tín dụng, liên doanh liên kết, vốn tự có của doanh nghiệp…
Quy hoạch cũng đề ra các giải pháp, chính sách chủ yếu phát triển công nghiệp: Bao gồm 8 giải pháp (thu hút vốn đầu tư phát triển công nghiệp, phát triển khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; Đổi mới phương thức và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước đối với ngành công nghiệp; Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa công nghiệp tỉnh Lai Châu với công nghiệp các tỉnh lân cận, cả nước và nước ngoài; Đẩy mạnh công tác khuyến công, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp nông thôn, phát triển dịch vụ công nghiệp, bảo vệ môi trường) và 3 chính sách (cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp, hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tiểu thủ công nghiệp).
Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 là cơ sở để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các dự án công nghiệp góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011 - 2015.
Quyết định này thay thế Quyết định số 349/QĐ-UBND ngày 28/3/2006 của UBND tỉnh Lai Châu về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006 đến năm 2010, có xét đến năm 2020; Quyết định số 09/QĐ-UBND ngày 07/01/2009 của UBND tỉnh Lai Châu về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006 đến năm 2010, có xét đến năm 2020.
Chi tiết Quyết định số 1464⁄QĐ-UBND xem tại đây.
Chi tiết Bản đồ Quy hoạch phát triển công nghiệp xem tại đây.
Chi tiết Báo cáo tổng hợp điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp xem tại đây.