1. Cục Quản lý thị trường
- Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để lưu thông trên thị trường hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt bò để phục vụ người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
- Tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng gây bất ổn thị trường.
- Phối hợp thông báo kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương (Đợt 1 trước ngày 31/12/2022, đợt 2 trước ngày 25/01/2023).
2. Phòng Kinh tế thành phố, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện
- Chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời rà soát nguồn cung, thống kê số lượng hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn để chủ động phương án đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung gây tăng giá đột biến trong những ngày cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, kịp thời báo cáo về Sở Công Thương để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai các giải pháp điều tiết cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.
- Phối hợp giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là việc chấp hành quy định về thời gian bán hàng.
- Báo cáo thống kê nguồn hàng hóa thiết yếu chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trước ngày 31/12/2022 và tình hình thị trường hàng hóa trước, trong và sau Tết Nguyên đán trước ngày 25/01/2023 theo biểu mẫu gửi kèm về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương.
3. Các cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu
- Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, nhất là việc duy trì thời gian bán hàng.
- Các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh hàng hóa tiêu dùng: Chủ động nắm bắt thị trường để có kế hoạch dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân; ưu tiên dự trữ và cung ứng các mặt hàng tiêu dùng sản xuất tại Việt Nam; tích cực mở rộng các kênh phân phối hàng hóa đến các xã vùng sâu, vùng xa và cung ứng đủ số lượng, chủng loại hàng hoá cho hệ thống phân phối; tổ chức các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.
- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương trong việc điều tiết hàng hóa phục vụ nhân dân khi có yêu cầu.